Sunday, March 18, 2007

Farewell my concubine - Bá vương biệt cơ (1993)

Diễn viên: Trương Quốc Vinh - Củng Lợi
Đạo diễn: Trần Khải Ca
Giải thưởng:
1993 Los Angeles Film Critics Association Awards, Best Foreign Film
1993 Cannes Film Festival, Palme d'Or
1994 Golden Globe Awards, Best Foreign Language Film
1993 New York Film Critics Circle Awards, Best Foreign Language Film
1993 New York Film Critics Circle Awards, Best Supporting Actress
1993 National Board of Review, Best Foreign Language Film


Nội dung:

Hai người bạn cùng lớn lên trong một đoàn kịch cổ truyền của Trung Quốc trong thời kì nhiễu loạn, họ đã cùng chia sẻ bao thăng trầm ngọt bùi trong cuộc sống , họ sẽ mãi là bạn tốt nếu như 1 trong 2 người không nảy sinh tình cảm trái với tự nhiên, đem lòng yêu thương người bạn trai của mình, đó cũng là bi kịch cả đời của nhân vật chính trong câu chuyện. Bộ phim đưa tên tuổi diễn viên Trương Quốc Vinh lên hàng ngôi sao và dường như nhân vật trong phim cũng vận vào số phận của diễn viên này...

Bình luận:

Thời Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ sa cơ, chàng chỉ còn lại con ngựa trung thành và nàng thiếp yêu là Ngu Cơ. Chàng đánh ngựa đi, ngựa trung không chạy đi; chàng bảo nàng thiếp chạy đi trốn để toàn mạng, Ngu Cơ rút gươm của Hạng Võ mà tự tử. Ngàn năm sau, Ngu Cơ đã phải chết bằng rất nhiều cách để chung tình với quân vương của mình.

Ngu Cơ đã chết vào cái buổi sáng mùa đông của Trung Quốc thuộc địa đó, khi mẹ của Đức Chí ẵm con mình đến bỏ thí cho một gánh hát bội vì "nó lớn quá, không thể dấu trong kĩ viện được nữa". Khi ông chủ gánh chê thằng bé vì nó có một ngón tay thứ sáu thừa ra, mẹ nó đã lấy dao chặt phăng ngón tay đi.

Ngu Cơ đã chết lên chết xuống trong cái gánh hát khắc nghiệt đó, chết vào cái buổi diễn thử khi thằng bé Đức Chí bị bạn diễn Sĩ Tử đè ra bẻ một cái răng vì tội hát sai, "bản chất của ta vốn là nam, không phải là nữ" trong khi vai của Chí lại là một vai nữ. Kể từ đó trở đi, Trình Đắc Di- Đức Chí lúc lớn- đã trở thành Ngu Cơ bên cạnh Bá vương Sĩ Tử, để chết thêm nhiều cái chết nữa, dưới tay Trương công công, dưới tay Viên đại nhân, trong thời Nhật chiếm đóng, dưới thời Quốc Dân Đảng, trong cuộc cách mạng văn hoá… Cuộc đời của Ngu Cơ-Trình Đắc Di-Đức Chí là một cái chết bất tận của nam tính, của quyền được sống, được yêu, của khát khao nghệ thuật vượt thoát khỏi thù hằn, ý thức hệ và thời đại. Đó cũng là một sự nhập nhoạng giữa vai diễn và cuộc đời mà bi kịch lớn nhất là lúc con người ta bị xô đẩy đến phải cay đắng nhận ra mình không thể đóng tuồng mãi được và đã chấp nhận chết trong tấn tuồng đó.

Bá Vương biệt Cơ là một bộ phim sử thi hoành tráng trải suốt 50 năm lịch sử Trung Quốc từ thập niên 30 đến 70. Nhưng gọi đó là nền cho bi kịch của một người, hai người, hay cả ba người đều đúng. Đó là bi kịch của Đức Chí- Trình Đắc Di, một tâm hồn sầy sẹo bên trong một thân thể gầy gò, yểu điệu, mà những trải nghiệm khắc nghiệt đã phát triển thêm cái xu hướng đồng tính luyến ái trong anh. Thiếu vắng một hình ảnh nam tính từ lúc bé, lớn lên cạnh một người bạn trai hay diễn chung, bị bắt đóng vai nữ do tố chất (thời đó tuồng cổ Trung Quốc không cho nữ làm diễn viên, tất cả các vai nữ đều do nam đóng), bị một tên hoạn quan làm nhục và bị ràng buộc ân nghĩa với một đại gia khác, phải chăng những điều đó đủ để giải thích cho bi kịch của Ngu Cơ? Hay đó còn là một tâm hồn mong manh dễ tổ thương và luôn khao khát hướng tới cái đẹp của nghệ thuật? Tâm hồn ấy đã cảm mến một tên tướng giặc vì đồng cảm nghệ thuật, đã lên án sự suy thoái của nền tuồng cổ Bắc Kinh dưới sự lệch lạc ấu trĩ của ý thức hệ đương đại, đã sống và chết trọn vẹn với vai diễn của mình.

Phim cũng là bi kịch của Sĩ Tử- Đoàn Tiểu Lâu, Hạng Võ của Ngu Cơ. Vì quân vương quá yếu đuối nên thiếp phải hi sinh, cả trong cuộc sống lẫn trong tuồng. Quân vương cũng đã kinh qua loạn lạc, thời thế thay đổi, nhưng cái tình của quân vương không đủ lớn để dung túng cho một kết thúc có hậu. Quân vương không đáng mặt làm vua nên ái thiếp đành rút gươm tự thác vậy!

Bi kịch của Juxian, cô điếm hạng sang mà sau này là vợ của Đoàn Tiểu Lâu, cũng là một sự bất đắc chí lớn. Cô là người phụ nữ rất khôn và rất lanh, có lẽ vì vậy mà cô thoát được khỏi chốn lầu xanh một cách đường hoàng. Nhưng bông hoa lài này đã chọn nhầm người để trao thân gửi phận, cho nên dù quyền biến thế nào, nước cờ của cô đành bỏ phí.

Bi kịch của Trung Quốc, một giằng xé điên đảo của quyền lực và ý thức hệ, như một tấn tuồng lớn xảy ra trong nhà hát kịch của Đắc Di và Tiểu Lâu, được chứng kiến bởi những kẻ bị xếp vào hạng xướng ca vô loài. Sự mỉa mai lớn nằm ở chỗ dưới con mắt của những kẻ đóng tuồng chuyên nghiệp, thì những khán giả qua mọi thời đại ngoài kia trở nên lố lăng kệch cỡm, những người đang tung tăng hô khẩu hiệu ngoài kia không khác gì những nghệ sĩ tồi tàn. Và "cuộc đời là một sân khấu lớn", như lời của Shakespeare.

Trần Khải Ca với những góc quay lời ít ý nhiều đầy trau chuốt đã biến Bá Vương Biệt Cơ thành một tác phẩm hay đến khắc khoải. Sau cái chết của Trương Quốc Vinh, người thủ vai Ngu Cơ Trình Đắc Di năm 2003, bộ phim lại khoác thêm một màu bi thảm của sự lạnh lùng thờ ơ giữa người và người. Ngu Cơ đã tự tử vì Hạng Võ không đủ sức để nhận ra tình cảm của nàng và chấp nhận nó, cũng như Trương Quốc Vinh đã tự tử vì thiên hạ không đủ sức để chấp nhận mình như một người đồng tính trong cộng đồng của họ. Mọi việc rồi cũng sẽ qua đi, đời người, những can qua, những thù hận, những cuộc đấu tố phát mãi nghệ thuật, nhưng chuyện người ta kể cho nhau nghe thì vẫn còn mãi. Chuyện Hạng Võ biệt Ngu Cơ, chuyện tình bi thảm của Trình Đắc Di dành cho Đoàn Tiểu Lâu, chuyện đời của Trương Quốc Vinh - Bá Vương Biệt Cơ cũng là một câu chuyện đẹp và thê thảm mà Trần Khải Ca kể cho chúng ta nghe về Trung Quốc, về chế độ, và về con người.

Nguồn: Khanh Nguyen- SGDNCT

No comments: