Friday, March 30, 2007

Giới thiệu phim Farewell My Concubine - Bá Vương Biệt Cơ

Source: Sưu tầm
:::::::::::::::::::::::

Bắc Kinh năm 1977, tại một nhà hát đã đóng cửa, có hai người lớn tuổi lập cập xin vào. Họ là những nghệ sĩ vang bóng một thời, xã hội Trung Quốc mở cửa, khắc khoải nỗi niềm hoài niệm, "đường xưa lối cũ" dắt díu tìm về ánh đèn sân khấu. Chỉ có hai người rực rỡ cổ trang trong một khán phòng trống vắng cô tịch, họ múa hát một trích đoạn vở tuồng cổ Bá Vương Biệt Cơ...

Bá Vương Biệt Cơ dựa theo tích Hán Sở tranh hùng. Sở Bá Vương Hạng Võ sau khi diệt Tần quay sang giành thiên hạ với Lưu Bang (Hán Cao Tổ). Quân Hán binh hùng tướng giỏi, lại được lòng dân, dần dần chiếm ưu thế. Hạng Võ có một ái thiếp thuộc hàng kỳ nữ, nàng là Ngu Cơ, trên đường ly loạn vẫn theo vương gội sương tắm gió. Khi cuộc thế sắp tàn, quân Sở tan tác như kiến vỡ tổ, ái Cơ tuẫn tiết để không vướng bận chồng xông pha binh lửa. Vương đánh trận cuối ngang tàng dũng mãnh nhưng tướng mỏng quân thưa, sức cùng lực kiệt, trên bến Ô Giang anh hùng tận... Vở tuồng da diết nỗi niềm nước mất nhà tan, sinh ly tử biệt trong thời chiến loạn của một cặp vương giả, một anh hùng thất thế vẫn nặng lòng mỹ nhân, một chinh phụ khí tiết trung cang, trọn đạo quân thần, vẹn tình chồng vợ...

Năm 1924, Bắc Kinh thuộc quyền của bọn quân phiệt phương Bắc. Có một cô gái thanh lâu bồng đứa bé bịt kín mặt xin gửi con nương nhờ một đoàn hát. Cậu bé Đức Chí từ đấy là học viên trong gánh hát rong của Quảng sư phụ. Cậu lớn lên trong roi vọt, mắng chửi nhưng lại học được đủ ngón nghề của nghệ thuật tuồng cổ. Đằng sau một thân hình mảnh dẻ ẩn chứa một linh hồn yếu ớt, rất nhạy cảm và có nhiều biểu hiện nữ tính. Đức Chí được sư phụ hướng tới những vai đào trong các tuồng tích. Nhưng mặc cảm phải đội lốt nữ giới nên nội tâm cậu bé luôn tồn tại một bản năng phủ định vai diễn của mình. Và thế là đòn roi tới tấp vung lên, nhiều khi nát da rách thịt. Những lúc như vậy, có một cậu bé thường lăn xả vào cứu nguy hoặc van xin sư phụ tha cho người bạn nhỏ tuổi, cậu ta là Sĩ Tứ, một thiếu niên rắn rỏi khỏe mạnh. Trong đoàn còn có Lai Chi, một cậu bé có tính cách khác lạ mà cái chết của cậu sau này ám ảnh không ít đến sự phát triển nhân cách của Đức Chí. Với cách rèn luyện khắc kỷ của Quảng sư phụ, những đứa trẻ dần dần định hình khả năng của mình trong các vai đào kép tương lai. Đức Chí sẽ là một Ngu Cơ không ai sánh kịp, còn Sĩ Tứ thể hiện vai Sở Bá Vương khí khái hơn người, dọc ngang hiển hách... Hai đứa trẻ có cảm tình với nhau sâu đậm, các bạn thấy thế và sư phụ muốn thế...

Năm 1932, lớp nghệ sĩ trẻ đã là những nam tử hán, bầy chim non đủ lông đủ cánh, họ khôn lớn trưởng thành để có thể ra đời thi thố nghiệp cầm ca. Buổi ra mắt đầu tiên tại dinh thự Trương công công - một thái giám hết thời nhưng vẫn rất thế lực - đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Trước "nàng" Ngu Cơ giai nhân tuyệt thế, lão già bất nam bất nữ không khỏi nổi cơn cuồng loạn. Đêm ấy chàng trai trẻ Đức Chí đã bị công công làm hoen ố tấm thân "trinh trắng"... Mùa hè năm 1937, những ngày tháng cuối cùng trước khi Bắc Kinh rơi vào tay phát xít Nhật. Lúc này cặp đào kép Sĩ Tứ - Đức Chí (Trương Quốc Vinh) đã nổi danh như cồn, trở thành những ngôi sao sáng trên sân khấu tuồng cổ với nghệ danh Trình Đắc Di (Đức Chí) và Đoàn Tiểu Lâu (Sĩ Tứ). Họ vẫn bên nhau trên sàn diễn và trong cuộc đời, sự gắn bó của đôi bạn keo sơn như cuộc tình của Ngu Cơ và Hạng Võ. Nhất là Đắc Di, anh không thể thiếu Tiểu Lâu như thuyền quyên tựa bóng anh hùng, trên sàn diễn nhỏ lẫn sân khấu lớn: sân khấu cuộc đời. Tiểu Lâu lại nghĩ khác, đối với anh sân khấu và cuộc đời không thể lẫn lộn. Anh có cuộc sống và nhu cầu của riêng mình. Tất cả đã đổ vỡ khi Tiểu Lâu "rước" từ thanh lâu về một nàng kỹ nữ. Diệu Linh (Củng Lợi) rời bỏ Túy Hoa Lầu sau khi lột sạch tư trang của nả cho bà chủ nhằm đổi lấy tự do, để theo người kép hát mà cô yêu thương. Hôn lễ của họ thiếu vắng Đắc Di, anh bị tổn thương bởi "Bá Vương" của đời mình ham vui thuyền khác...

Nhưng có một người lại dõi theo anh với một sự si mê cuồng dại. Đó là Viên đại nhân, kẻ giàu có bậc nhất đô thành, người am tường ca cổ hàng đầu Trung Quốc. Viên tặng Đắc Di đủ quà trân quý, gồm cả thanh bảo kiếm oan khiên định mệnh. Thiên hạ đồn Đắc Di là bạn tình của họ Viên.

Quân Nhật vào Bắc Kinh. Trong một lần thiếu kiềm chế, Tiểu Lâu gây họa. Đắc Di liều mình cứu bạn, anh phải trổ tài nghệ phục vụ kẻ thù và mang tiếng từ đấy. Nhưng điều dằn vặt nhất đối với Đắc Di vẫn là ảo mộng nơi "phu tướng" của mình. Bộ ba Đắc Di - Tiểu Lâu - Diệu Linh cùng đau khổ bởi hờn ghen, ám ảnh...

Năm 1945, Trung Quốc giải phóng. Họ Tưởng vào Bắc Kinh. Trong một buổi biểu diễn, binh sĩ Quốc Dân Đảng nổi điên đập phá nhà hát, Diệu Linh cứu chồng nên bị xẩy thai. Đắc Di bị bắt và ra tòa vì tội "hợp tác" với bọn Nhật. Tiểu Lâu và cả Diệu Linh chạy vạy các cửa mong cứu người bạn tri kỷ. Chỉ có sự say mê ca kịch của người đứng đầu chính phủ mới cứu nổi Đắc Di thoát khỏi án tử.

Năm 1949, Quốc Dân Đảng thua chạy, quân giải phóng vào Bắc Kinh, lịch sử sang trang mới. Cuộc đời của những nghệ sĩ tuồng cổ lại chìm nổi trong bể trầm luân điêu đứng và thảm khốc nhất chỉ bởi mang danh truyền bá tư tưởng cũ. Cách mạng Văn hóa (1966) đã đẩy họ đến cảnh trò phản thầy, chồng cáo vợ, bạn hữu lên án nhau... rồi đấu tố bài xích, rồi nhục hình khảo đả, rồi tang tóc chia ly, uống mật khen ngon, nằm gai hảo hảo... đành a dua cùng thiên hạ "tống cựu,nghinh tân". Một bi kịch về cuộc đời của những diễn viên gắn bó một đời với sàn diễn tuồng cổ, loại hình nghệ thuật rất đặc trưng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đắc Di là một điển hình của những nghệ sĩ giàu tâm huyết, cống hiến hết lòng, sống chết vì nghệ thuật đến độ sân khấu hóa cả cuộc đời, đem vai diễn vào cuộc sống. Đối với anh sàn diễn và cuộc đời chỉ là một, sau những trò vẽ mặt bôi son, ai oán tạ từ quân vương là sự hóa thân vĩnh viễn vào nhân vật thê nữ trung trinh tiết liệt. Vì cám cảnh về số kiếp phù du của Ngu Cơ đã đẩy anh tới hành động giống nàng mỹ nhân ấy. Bi kich của Đắc Di còn nằm ở chính tâm hồn anh, đằng sau hình hài hoàn toàn nam giới lại là một tâm hồn nữ giới, vai diễn hay tạo hóa quyết định trong việc biến cải bản chất giới tính của anh ? Mọi người không thể biết nhưng hãy tin rằng Đắc Di đã sống và yêu hết mình như một người thuộc phái yếu. Tiểu Lâu đơn giản hơn nhiều, anh vẫn là trượng phu nam tử, anh vẫn sống vì nghệ thuật nhưng anh không sẵn sàng chết vì nghệ thuật, anh thực dụng và không hoang tưởng như người bạn diễn của mình. Nhưng chính đó lại là điểm yếu của Tiểu Lâu, anh đã "mềm yếu" hơn cả đàn bà khi không chịu nổi nhục hình của đám Hồng Vệ Binh trong Cách mạng Văn hóa... Còn Đắc Di lúc ấy lại khí phách hơn nhiều... Và "Bá Vương" lần lượt biệt chính thê lẫn "thứ thiếp"... dù không muốn nhưng anh đã phụ cả hai người.

Lần đầu tiên Hồng Kông - Trung Quốc đưa câu chuyện đồng tính luyến ái, một vấn đề rất tế nhị và kiêng kị trong xã hội Á đông lên màn bạc, sự táo bạo của thời mở cửa, chứng tỏ dân trí ở nước đông dân nhất hành tinh đang được cải thiện và nâng cao. Vì xét cho cùng vấn đề đó vẫn tồn tại dù chúng ta có chấp nhận hay ngăn cấm

Các giải thưởng:

- Quả cầu vàng 1994: Phim nước ngoài hay nhất.
- Liên hoan phim Cannes 1993: Cành cọ vàng, Giải FIPRESCI.
- Giải thưởng BAFTA 1994: Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

No comments: