Đạo diễn Vương Gia Vệ
Năm 2000 đạo diễn người Hồng Kông Vương Gia Vệ quay bộ phim In the Mood for Love, cuốn phim đáng giá nhất về những năm sáu mươi, một chuyện tình muôn thuở. Trong cuốn phim mới mang tên 2046 ông dẫn tiếp câu chuyện thời đó vào tương lai của điện ảnh.
Süddeutsche Zeitung (SZ): Xem phim của ông, trước hết là In the Mood for Love và 2046, hai bộ phim về nhà văn họ Châu do Lương Triều Vĩ (Tony Leung) thủ diễn, người ta có ấn tượng ông không dành cho tình yêu một cơ hội lớn nào cả?
Vương Gia Vệ (VGV): Sao lại thế? Cuối cùng thì anh ta đâu có đầu hàng mà vẫn tiếp tục đấy chứ... Dù kết thúc không thật sự có hậu, cuốn phim vẫn khép lại một cách lạc quan – đó là một người đàn ông mãi tìm kiếm người thay thế cho người đàn bà mà anh ta đã đánh mất trong đời mình. Anh ta không hề thật lòng muốn có những mối tình ấy, vậy nên sự không thành – và anh ta hiểu điều đó. Các nhân vật nữ cũng thế, họ nhận ra điều đó và họ đi đường họ. Rất thực dụng nhưng nói chung vẫn lạc quan. Mỗi khán giả phải tự quyết định rồi Châu sẽ ra sao, liệu anh ta có tìm được tình yêu hay không.
SZ: Sự ngờ vực ký ức, một đề tài hay gặp trong điện ảnh, cũng luôn xuất hiện đi xuất hiện lại trong phim của ông.
VGV: Marcel Proust từng nói ký ức là ảo tưởng, là tưởng tượng. Trong ký ức, chúng ta nâng thực tế lên, như Châu đã làm với phụ nữ. Trương Mạn Ngọc (Maggie Cheung), người đàn bà anh ta gặp trong In the Mood for Love, không có thực, mà chỉ là người đàn bà trong tâm tưởng anh ta. Anh ta triệt tiêu mọi khiếm khuyết để biến cô thành người đàn bà hoàn hảo. Hết sức bất công với những người phụ nữ khác không có cơ hội cạnh tranh với cô ta. Không người phụ nữ nào có thể bằng cô ta được vì cô ta không thực... Cô ta chỉ là một ý tưởng.
SZ: Là đạo diễn, ông tin tưởng vào hình ảnh đến mức nào?
VGV: Điều đó với tôi rất đơn giản. Lúc làm phim In the Mood for Love năm 2000, chúng tôi muốn quay một cuốn phim về Hồng Kông thời đó vì thành phố thay đổi nhanh vùn vụt. Chúng tôi muốn giữ lại tất cả những gì thuộc thời đó mà chúng tôi yêu quí, những chốn nhỏ, những quán xá riêng tư cũng như cung cách ứng xử của người thời đó. Và như thế cuốn phim này trở thành ký ức của chúng ta... Và nếu ba mươi năm sau chúng ta xem lại cuốn phim, mọi thứ sẽ vẫn còn nguyên vẹn như xưa.
SZ: Năm 2046 sẽ là 50 năm ngày trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc...
VGV: Chúng tôi muốn lấy con số này làm tựa phim, vì nó gắn liền với một hứa hẹn lớn. Chúng tôi muốn làm một cuốn phim về những hứa hẹn, chứ không phải một cuốn phim về những đổi thay. Cứ gần gũi cái gì quá, cứ mỗi sáng đều thức giấc bên nhau, người ta không còn nhận ra những thay đổi nữa. Điều đó chỉ xảy ra khi gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Làm một cuốn phim về việc trao trả (Hồng Kông) hiện vẫn còn quá sớm. Mười hay mười lăm năm nữa thì sự biến đổi sẽ hiển hiện rõ ràng hơn nhiều. Hiện nay ta có thể nhìn ra những thay đổi, nhưng chưa nhìn ra ý nghĩa của chúng.
SZ: Châu tuyên bố tiểu thuyết của anh ta là hoàn toàn hư cấu - với một chút hiện thực...
VGV: Tôi làm phim để trải nghiệm những cái không thuộc về đời thật của mình. Làm phim võ thuật để một lần được cảm giác là người hùng, quay phim ở Argentina vì đã luôn muốn được đến đó... Tất nhiên khi Châu không viết tiếp được, một kinh nghiệm rất quen thuộc với tôi trong cương vị đạo diễn, thì lúc đó tôi thấy mình rất gần gũi anh ta.
SZ: Khía cạnh âm nhạc trong sáng tác của ông đặc biệt hiện rõ trong 2046.
VGV: Và sẽ càng ngày càng mang chất ấn tượng chủ nghĩa. Trước đây thì mỗi phim đều có qui luật rất rõ ràng, chẳng hạn In the Mood for Love được cấu trúc như một chương trình truyền thanh. Trong phim 2046 không có qui luật nào cả, chúng tôi dùng nhạc của nhiều thời kì khác nhau, nhưng cũng dùng cả nhạc phim của Truffaut hoặc Fassbinder, nhạc từ opera- có nhạc hợp cảnh là dùng. Chẳng hạn phim của Fassbinder đối với tôi là hiện thân cho cả một thời, những ca khúc của Nat King Cole cũng thế... Chúng gợi tôi nhớ lại những thời kì nhất định và những kinh nghiệm gắn liền với chúng. Ở đây tôi không nói đến từng bộ phim của Fassbinder, mà đúng hơn là cái cảm giác mà những bộ phim này mang lại.
SZ: Do đâu mà có sự cộng tác về phần âm nhạc với Peer Raben?
VGV: Cách đây bốn năm tôi gặp ông ấy tại Liên hoan phim Hamburg. Ban tổ chức hỏi tôi có muốn gặp ai không... Tôi vừa đọc xong một cuốn sách về Fassbinder và qua đó được biết Peer Raben khởi nghiệp bằng nghề kế toán. Tôi rất thích nhạc của ông ấy, cứ như một đặc hiệu cho phim của Fassbinder vậy. Lúc ăn tối, tôi kể cho ông ấy rằng tôi muốn làm cuốn phim về Thượng Hải những năm ba mươi, tôi đã nghe phần nhạc tuyệt vời trong phim Lili Marleen, và hỏi ông ấy có thể cũng làm một cái gì đó như thế cho tôi không. Vì quá mệt mỏi và ốm yếu để sáng tác, ông phối lại những bản nhạc cũ để tôi sử dụng cho phần của tôi trong cuốn phim bộ ba Eros...
SZ: Ngoài Chris Doyle ra, trong 2046 còn có hai người quay phim nữa...
VGV: Thật ra họ chỉ là một, họ là một tập thể. Một người là trợ lý của Chris Doyle, người kia là đạo diễn của phần Making of - họ đảm đương công việc những lúc Chris Doyle, vì thời gian quay quá dài, buộc phải đến làm ở nơi khác...
SZ: Sau nhiều phim rất đương đại và một phim về những năm sáu mươi, giờ đây ông dấn bước vào tương lai...
VGV: Với tôi thì tương lai trong phim không phải là ước muốn, mà là sự tưởng tượng của một người đàn ông đang sống ở năm 1966. Anh ta chưa xem Ma trận (Matrix), nhưng có lẽ đã xem Barbarella . Chúng tôi dựa vào những điểm như thế mà tiến. Chúng tôi tiếp cận với tương lai thông qua các nhân vật nhiều hơn là thông qua công nghệ. Tương lai của chúng tôi nặng tính hoài cổ. Cộng tác với các kỹ thuật viên vi tính cũng là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Chúng tôi chưa bao giờ quay mà có kịch bản chi tiết, kịch bản phân cảnh cũng không có nốt - nhiều thứ rất là trừu tượng. Với giới vi tính thì ngược lại, mọi thứ phải hết sức chính xác. Do đó họ phải thử nghiệm rất nhiều - vừa tốn thời gian, và nếu không vừa ý thì còn tốn nhiều tiền. Dự định ban đầu là khoảng nửa cuốn phim sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng rồi chúng tôi phải cắt đi cắt lại mãi, vì không thì sẽ rất đắt tiền.
SZ: Ông nghĩ gì về mối tương quan giữa sự tình cờ và sự tính toán trong phim của mình?
VGV: Vì tự sản xuất phim nên chúng tôi làm việc với một đội phim rất nhỏ, như một gia đình vậy. Người nào cũng ba đầu sáu tay, tôi là nhà sản xuất, tác giả kịch bản, đạo diễn và thi thoảng kiêm cả thư kí, anh dựng phim thì kiêm thiết kế phim và đôi khi làm cả phụ đề. Vì ngân sách có hạn, chúng tôi vừa phải có tổ chức chặt chẽ lại vừa phải linh động. Tôi đã quen làm việc về đêm, vì vắng người chung quanh và yên tĩnh hơn.
(Hồ Phạm Huy Đôn dịch
Anke Sterneborg thực hiện)
::::::::::::::
Source: Winterwhite - dienanh.net
No comments:
Post a Comment